Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh tim mạch là nguyên nhân gây bệnh tật và tử vong hàng đầu trên phạm vi toàn cầu. Bệnh tim mạch đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng tại các nước đang phát triển; thống kê cho thấy, số người mắc bệnh tim mạch tại các nước đang phát triển còn cao hơn tại các nước phát triển.
Ngày Tim mạch thế giới được Liên đoàn Tim mạch thế giới và Tổ chức Y tế thế giới thống nhất tổ chức vào ngày 29/9 hàng năm để kêu gọi sự chú ý của cộng đồng, kêu gọi sự quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe tim mạch, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng toàn cầu về bệnh tim mạch và những nguy cơ mà nó gây ra. Bệnh tim mạch, bao gồm bệnh động mạch vành, đột quỵ, và các bệnh liên quan đến tim và mạch máu, đã và đang là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Các nguyên nhân chính của bệnh tim mạch là sử dụng thuốc lá, thiếu hoạt động thể lực, chế độ ăn uống không lành mạnh và sử dụng rượu-bia ở mức độ nguy hại.
Vì vậy, hầu hết các bệnh tim mạch có thể phòng ngừa được bằng cách giải quyết các yếu tố nguy cơ hành vi này. Bên cạnh đó, phát hiện bệnh tim mạch càng sớm càng tốt để được tư vấn và dùng thuốc kịp thời cũng là chìa khóa để phòng ngừa biến chứng và tử vong do bệnh tim mạch.
Hưởng ứng Ngày Tim mạch thế giới 2024 với chủ đề: ỔN ĐỊNH HUYẾT ÁP ĐỂ BẢO VỆ TRÁI TIM”. Hiện nay, bệnh tim mạch đang có chiều hướng tăng ở người trẻ tuổi; xuất hiện nhiều ở những người 30 đến 40 tuổi. Hầu hết mọi người đều cho rằng bệnh tim khởi phát do yếu tố di truyền, đái tháo đường, béo phì, cao tuổi. Thực tế, chế độ ăn uống và lối sống thiếu lành mạnh mới là “quả bom” gây bùng phát bệnh tim. Thói quen ăn nhiều muối, ít rau xanh, dung nạp các chất béo có hại, lười vận động, hút thuốc lá, thuờng xuyên stress, lo lắng… là những nguyên nhân phổ biến của căn bệnh này. Để có thể tránh được ít nhất 80% rủi ro tử vong sớm vì bệnh lý tim mạch, cần tránh 4 yếu tố nguy cơ: chế độ ăn uống, lười vận động, hút thuốc lá và uống rượu bia.
Để bảo vệ sức khỏe tim mạch, hãy thực hiện những lời khuyên sau
- Ăn uống lành mạnh: ăn nhiều trái cây và rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, thịt nạc, cá…, giảm muối trong khẩu phần ăn (sử dụng dưới 5gr muối/ngày), không ăn nhiều mỡ động vật, hạn chế uống rượu bia.
- Hoạt động thể chất thường xuyên: Ít nhất 30 phút mỗi ngày tùy vào sức khỏe của bản thân, giúp duy trì sức khỏe tim mạch và giữ cân nặng ở mức hợp lý.
- Tránh sử dụng thuốc lá dưới mọi hình thức đều rất có hại cho sức khỏe, thuốc lá điếu, xì gà, tẩu thuốc hoặc thuốc lá nhai, hít khói thuốc lá thụ động. Nguy cơ đau tim và đột quỵ bắt đầu giảm ngay sau khi một người ngừng sử dụng các sản phẩm thuốc lá và có thể giảm tới một nửa sau 1 năm.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ, thường xuyên kiểm tra số đo huyết áp, chỉ số đường huyết và lipid máu để có thể kiểm soát kịp thời các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch.
Ngoài ra, căng thẳng, lo âu và áp lực tinh thần kéo dài làm tăng nguy cơ gấp đôi nhồi máu cơ tim. Vì vậy, hãy luôn duy trì những thói quen lành mạnh để luôn có một trái tim khỏe mạnh, hạnh phúc, tràn đầy yêu thương.
Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống bệnh tim mạch 29/9/2024, Trung tâm Y tế TPLX yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; thực hiện các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm bệnh tim mạch cho bản thân, gia đình và cộng đồng, góp phần nâng cao nhận thức và bảo vệ sức khỏe cộng đồng về phòng chống bệnh tật. Tổ chức treo Băng-rol điện tử tại Trung tâm y tế và các khoa phòng với thông điệp truyền thông “ỔN ĐỊNH HUYẾT ÁP ĐỂ BẢO VỆ TRÁI TIM”. Thời gian từ ngày 23/9 đến ngày 29/9/2024.
Ngày Tim Mạch thế giới là một lời nhắc nhở mạnh mẽ về tầm quan trọng của sức khỏe tim mạch. Bằng những hành động nhỏ nhưng ý nghĩa, mỗi người trong chúng ta có thể góp phần giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, bảo vệ bản thân và gia đình.