Rửa tay nói chung và rửa tay ngoại khoa nói riêng là một động tác có ý nghĩa vô cùng quan trọng, có tính bắt buộc nhằm làm giảm đến mức tối thiểu số lượng vi khuẩn đang hiện diện trên tay nhân viên y tế trước khi tiến hành phẫu thuật. Có hai phương pháp rửa tay ngoại khoa nhưng phương pháp vệ sinh ngoại khoa bằng dung dịch VST chứa cồn được đánh giá ưu việt và khắc phục được hạn chế của phương pháp rửa tay ngoại khoa truyền thống bằng nước với xà phòng khử khuẩn. Nhằm bổ sung, cập nhật kiến thức về phương pháp rửa tay ngoại khoa bằng chế phẩm chứa cồn cho nhân viên y tế, đặc biệt là đối tượng phẫu thuật viên, chiều 25/8/2022, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang tổ chức tập huấn vệ sinh tay ngoại khoa bằng dung dịch chứa cồn. 

Tham gia buổi tập huấn có Bs.CKII Hoàng Chí Thành, Phó Giám đốc; Ths Vũ Văn Bằng, Phụ trách Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn cùng 185 học viên là cán bộ, nhân viên y tế bệnh viện. Giảng viên của buổi tập huấn là Ths. Bs Lê Thị Thanh Thủy, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Vinmec Times City. 

Từ tháng 8 năm 2017 đến nay, sau khi Bộ Y tế chính thức ban hành quy trình vệ sinh tay ngoại khoa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư và triển khai rửa tay ngoại khoa bằng nước với xà phòng khử khuẩn nhằm làm giảm và ngăn chặn sự phát triển của các vi khuẩn trên da nhân viên y tế. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn tồn tại một số điểm hạn chế khó khắc phục như hiệu quả diệt khuẩn trên bàn tay kém hơn 10 lần so với khử khuẩn tay bằng dung dịch VST chứa cồn; khả năng tái ô nhiễm bàn tay từ bàn chải (vì đòi hỏi bàn chải vô khuẩn để đánh kẽ móng tay trong bệnh viện chưa sử dụng bàn chải dùng một lần, mà chỉ ngâm khử khuẩn bàn chải để dùng lại); khả năng tái ô nhiễm bàn tay từ nước và khăn lau khô tay bị ô nhiễm cao. 

Tại buổi tập huấn, Ths Bs Lê Thị Thanh Thủy đã trình bày phương pháp vệ sinh ngoại khoa bằng dung dịch VST chứa cồn. Theo phương pháp này, sẽ có 2 bước chính là rửa tay bằng xà phòng thường trong thời gian 1 phút để loại bỏ các chất cáu bẩn (và nha bào nếu có) ở trên tay và khử khuẩn tay bằng dung dịch VST chứa cồn trong thời gian 3 phút. Với phương pháp này, mọi hạn chế của phương pháp VST ngoại khoa truyền thống ở trên sẽ được khắc phục hoàn toàn. 

Cuối buổi tập huấn, các học viên được được làm bài kiểm tra nhanh nhằm tự đánh giá những kiến thức vừa được học, qua đó đã mang lại cho nhân viên y tế ý thức về vệ sinh tay ngoại khoa từ đó Phòng tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện góp phần nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh và đảm bảo an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế. 

Nguồn: Phòng CTXH