1. Lịch sử phát triển điều trị từ trường:

          Từ xa xưa con người đã biết sử dụng từ trường vào mục đích điều trị. Lịch sử ghi nhận người Ai cập đã sử dụng các viên nam châm tự nhiên như là những “ viên đá thần kỳ” để chữa bệnh. Sau đó nam châm tự nhiên đã được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực của đời sống.

          Năm 1980 ở Việt Nam đã ra đời đề tài” Nghiên cứu, chế tạo và ứng dụng từ trường trong y học” do Bệnh viện 108 chủ trì. Năm 1988 đề tài được nghiệm thu. Năm 1993 Bộ Y tế phối hợp với Bộ Quốc phòng tổ chức hội thảo quốc gia lần thứ nhất, mở ra triển vọng ứng dụng hiệu quả hơn nữa từ trường trong lĩnh vực y học.

2. Các loại từ trường: có hai loại, từ trường tự nhiên và từ trường nhân tạo

3. Chỉ định điều trị

Điều trị bằng từ trường là một biện pháp an toàn, ít độc hại và có hiệu quả rộng rãi trong nhiều chuyên khoa.

- Giảm đau: trong các bệnh xương khớp, đau do đụng giập, do co thắt

- Chống viêm: từ các viêm nhỏ như mụn nhọt đến viêm đại tràng co thắt, viêm loét dạ dày, hành tá tràng

- Điều hoà trương lực thần kinh: hội chứng suy nhược thần kinh, rối loạn thần kinh thực vật

- Tăng cường tuần hoàn cục bộ, kích thích tái tạo tổ chức

- Chống đông tắc mạch sau phẫu thuật

Chống chỉ định:

- U ác tính

- Phụ nữ có thai

- Sau nhồi máu cơ tim cấp

- Bệnh hệ thống và bệnh máu( Máu chậm đông)

4. Ứng dụng điều trị bằng máy từ trường tại Khoa Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang

Người bệnh đau lưng đang được sử dụng từ trường điều trị tại khoa Vật lý trị liệu- Phục hồi chức năng, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang

 

Tại khoa Vật lý trị liệu- Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang đang sử dụng máy từ trường Italia Model MAG- Expret trong điều trị các bệnh lý như:

- Sau gẫy xương, kết hợp xương, chậm liền xương…

- Đau lưng, đau cổ gáy do thoái hoá cột sống, thoát vị đĩa đệm cột sống, loãng xương, xẹp đốt sống, chấn thương cột sống không có chỉ định phẫu thuật…

- Đau khớp do thoái hoá, do viêm, do gút…

- Đau đầu, mất ngủ do thiểu năng tuần hoàn não, kích thích mạch não…

5. Một số ca bệnh lâm sàng

Trường hợp nam bệnh nhân Hoàng Văn G. 50 tuổi (địa chỉ tại Canh Nậu, Yên Thế) nhập viện ngày 29/7/2024 trong tình trạng đau nhiều vùng cột sống thắt lưng, đau lan mông phải và dọc sau chân phải đến mắt cá ngoài, đau tăng lên khi đi lại, vận động cúi, quay người khó và đau. Người bệnh được chẩn đoán thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng kèm đau thần kinh toạ phải.

Tại khoa Vật lý trị liệu – Phụ hồi chức năng, các bác sĩ đã thăm khám và chỉ định cho người bệnh điều trị bằng: điện xung, siêu âm, máy kéo giãn cột sống, từ trường. Sau 08 ngày điều trị, bệnh nhân đã đỡ đau, vận động tốt hơn, đi lại dễ dàng hơn.

Một trường hợp khác là nữ bệnh nhân Phan Thị H. (64 tuổi, địa chỉ tại Đức Giang, Yên Dũng). Bà H nhập viện vào ngày 06/5/2024 trong tình trạng đau nhiều vùng cột sống thắt lưng và sườn phải; xoay trở người khó và đau; không tự đi lại được. Trước đó, bà H từng bị chấn thương và được chẩn đoán đau cột sống thắt lưng và sườn phải.

Các bác sĩ đã chỉ định người bệnh phục hồi chức năng bằng: điện xung, điện phân, siêu âm, sóng ngắn, từ trường. Sau 19 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã giảm đau vùng vùng cột sống thắt lưng và sườn phải, có thể tự đi lại, sinh hoạt.

 

Nguồn: Khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng