Streptococcus agalactiae hoặc Group B Streptococcus (GBS) là vi khuẩn Gram dương được tìm thấy trong âm đạo và trực tràng của 10-30% phụ nữ mang thai. Khoảng 50% phụ nữ mang thai nhiễm GBS sẽ truyền cho em bé trong khi chuyển dạ. GBS có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và thậm chí gây tử vong ở trẻ sơ sinh.
Hầu hết những người nhiễm GBS, kể cả phụ nữ mang thai đa số không có triệu chứng. Tuy nhiên, khi thai phụ nhiễm GBS có nhiều nguy cơ sinh non, thai chết lưu, và nhiễm trùng sơ sinh. Một số ít trường hợp sẽ gây ra triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu như: đau, buốt rát khi đi tiểu, đi tiểu nhiều lần, nước tiểu đục,…
Trẻ sơ sinh có thể bị nhiễm GBS từ mẹ trong quá trình chuyển dạ. Nhiễm trùng do GBS ở trẻ sơ sinh có thể khởi phát sớm (<7 ngày tuổi) hoặc khởi phát muộn (7-89 ngày) gây ra nhiễm trùng huyết, viêm màng não, viêm phổi, nhiễm trùng xương khớp, nhiễm trùng da và mô mềm ...
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang, tất cả các phụ nữ mang thai tới thăm khám đều được quản lý thai sản định kỳ, chỉ định thực hiện xét nghiệm Liên cầu khuẩn nhóm B để phòng tránh nguy cơ nhiễm trùng ở trẻ sơ sinh. Theo đó, việc thực hiện xét nghiệm phát hiện GBS đối với thai đơn ở tuần thai thứ 35-37 tuần 6 ngày; đa thai ở thời điểm tuần thứ 32-34 tuần.
Khi tiến hành xét nghiệm, sản phụ sẽ được lấy mẫu thử từ âm đạo và trực tràng, đưa đến khoa Vi sinh để nuôi cấy để tìm ra sự có mặt của GBS và đưa ra kết luận chính xác nhất sau 01 – 02 ngày xét nghiệm. Kỹ thuật xét nghiệm sàng lọc GBS được thực hiện trên hệ thống định danh vi khuẩn tự động. Những thai phụ được xác định dương tính với Liên cầu khuẩn nhóm B sẽ được điều trị và thực hiện các biện pháp dự phòng lây truyền sang trẻ sơ sinh như tiêm kháng sinh đường tĩnh mạch trong khi chuyển dạ để giảm nguy cơ trẻ sinh ra bị nhiễm trùng.
Việc lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc GBS được đánh giá là rất dễ dàng và ít gây khó chịu cũng như tai biến cho bà mẹ và thai nhi và được khuyến cáo nên thực hiện ở tất cả các lần mang thai, một người từng nhiễm GBS khi đã điều trị khỏi có thể tái nhiễm sau một thời gian.
Quản lý điều trị dự phòng bằng kháng sinh trước khi sinh ở các thai phụ nhiễm GBS là chiến lược hiệu quả duy nhất hiện có để phòng ngừa khởi phát sớm các bệnh nhiễm khuẩn do GBS ở trẻ sơ sinh. Thực hiện xét nghiệm sàng lọc GBS ở thai phụ tuần 36-38 giúp bác sỹ lâm sàng lựa chọn sử dụng kháng sinh dự phòng trước sinh phù hợp, ngăn ngừa hiệu quả các bệnh gây ra bởi GBS ở trẻ sơ sinh, đồng thời kiểm soát được mức độ kháng kháng sinh của GBS.