Vỡ tá tràng là một bệnh lý ít gặp trong chấn thương bụng kín với tỷ lệ khoảng 3-5%. Việc chẩn đoán và điều trị bệnh, đặc biệt là khâu xử trí ban đầu còn gặp nhiều khó khăn dẫn đến tỷ lệ biến chứng sau mổ (17,6-46,6%) và tỷ lệ tử vong vẫn còn rất cao (trên 20%). Chúng tôi báo cáo một trường hợp ̣điều trị thành công bệnh nhân vỡ tá tràng phức tạp do tai nạn lao động trong tình trạng nguy kịch do tai nạn lao động tại khoa Ngoại tổng hợp bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang.
Tá tràng là tạng nằm sau phúc mạc, nằm vắt ngang cột sống, tổn thương tá tràng thường gặp trong những trường hợp chấn thương với lực va đập trực diện, ép tá tràng vào cột sống gây vỡ tá tràng, triệu chứng của bệnh đôi khi bị che lấp bởi tổn thương các tạng khác kèm theo và đôi khi mất nhiều thời gian để dịch tá tràng chảy vào ổ bụng gây viêm phúc mạc thì triệu chứng mới rõ.
Bệnh nhân Hà Văn K (42 tuổi, T.T Kép, Lạng giang, Bắc Giang) vào viện cấp cứu hồi 8 giờ ngày 06 tháng 8 năm 2024 trong tình trạng đau bụng nhiều sau bị ngã đập vùng bụng vào vật cứng trong khi lao động. Bệnh nhân nhanh chóng được thăm khám lâm sàng, chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng, siêu âm, CT scaner. Kết quả chụp CT cho thấy hình ảnh dịch quanh phía cực dưới thận phải, quanh đầu tụỵ, dọc rãnh đại tràng phải, tụ khí khoang sau phúc mạc.
Các bác sĩ đã hội chẩn chuyên khoa và thống nhất chẩn đoán chấn thương bụng kín - vỡ tá tràng, đụng dập đầu tụy. Nhận định đây là ca bệnh nặng, tổn thương bụng kín phức tạp, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cấp cứu xử trí tổn thương.
Quá trình phẫu thuật, khoang sau phúc mạc trong ổ bụng bệnh nhân có nhiều dịch tiêu hóa, dịch đục xanh đen ở xung quanh bao thận và dưới rãnh đại tràng phải, toàn bộ mô liên kết quanh tá tràng quanh thận phải thâm đen, đoạn D2 tá tràng vỡ rộng, dập nát gần hết khẩu kính (chỉ còn lại khoảng 15 mm mặt sau D2 tá tràng vùng nhú Papille). Bác sỹ CKII. Nguyễn Sỹ An – Trưởng Khoa Ngoại Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang cùng kíp phẫu thuật đã tiến hành cắt lọc tá tràng dập nát, luồn sonde dạ dày qua tổn thương vỡ D2 tá tràng, khâu nối tá tràng hai lớp, Nối thông vị tràng, mở thông hỗng tràng nuôi dưỡng, lau rửa sạch, dẫn lưu ổ bụng.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân được hồi sức tích cực, chăm sóc dinh dưỡng, chống nhiễm trùng,… Người bệnh phục hồi sức khỏe dần và xuất viện vào ngày thứ 12; Sonde mở thông hỗng tràng rút sau ra viện một tuần. Tái khám một tháng sau ra viện bệnh nhân ổn định.
Theo bác sĩ CKII. Nguyễn Sỹ An – Trưởng Khoa Ngoại Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang: “Tổn thương vỡ tá tràng là tổn thương phức tạp, nặng nề do liên quan đến nhiều bộ phận quan trọng như tá tràng, tụy, đường mật. Nếu không xử trí kịp thời người bệnh có thể tử vong nhanh chóng do dịch tiêu hóa, dịch tụy, mật…vỡ tràn gây viêm phúc mạc, nhiễm trùng, nhiễm độc ổ bụng. Phẫu thuật xử trí vỡ tá tràng đòi hỏi đội ngũ phẫu thuật viên trình độ cao, giàu kinh nghiệm, nắm chắc cấu trúc giải phẫu, thao tác chuẩn xác để tránh các tai biến mất máu, nguy cơ rò bục miệng nối”.
Hiện nay, đội ngũ phẫu thuật viên chuyên ngành tiêu hóa ổ bụng tại tỉnh Bắc Giang được đào tạo bài bản, trình độ cao đã có thể làm chủ phẫu thuật xử trí vỡ tá tràng ngay tại địa phương thay vì chuyển tuyến. Nhờ đó nâng cao tỷ lệ thành công cho phẫu thuật, tăng cơ hội sống và tiết kiệm chi phí cho người bệnh.
Để phòng tránh tai nạn chấn thương bụng kín trong lao động, người dân cần thực hiện các giải pháp an toàn lao động như mặc đồ bảo hộ lao động, thực hiện đúng kỹ thuật lao động, định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng thiết bị, máy móc theo quy chuẩn kỹ thuật về an toàn... Ngay khi gặp tai nạn lao động, người dân cần đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị cấp cứu kịp thời.
Nguồn: Khoa Ngoại Tổng hợp