Vừa qua, Khoa Ngoại thận- tiết niệu- nam học, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang đã thực hiện phẫu thuật thành công cho bệnh nhân có kích thước sỏi lớn.
Ngày 24/3/2025, bệnh nhân N.T.O, 65 tuổi (địa chỉ xã Cao Xá, huyện Tân Yên) đến khám với triệu chứng đau thắt lưng bên phải.
Bệnh nhân được chỉ định chụp X.quang, CT với kết quả cho thấy có hình ảnh sỏi san hô thận phải, kích thước lớn chiếm toàn bộ lòng bể thận.
Sau khi được các bác sĩ giải thích đầy đủ về tình trạng bệnh lý, diễn tiến của bệnh, phương pháp điều trị và các nguy cơ có thể xảy ra, người bệnh nhất trí với phương án điều trị can thiệp mở bể thận trong xoang lấy sỏi. Trước khi mổ, người bệnh được làm đầy đủ các xét nghiệm phục vụ phẫu thuật.
Ảnh 1
Trong quá trình thực hiện phẫu thuật, các bác sĩ đã đã loại bỏ toàn bộ sỏi trong lòng bể thận, có nhiều sỏi san hô lớn, dài, khối lớn dài nhất tương đương với 1 ngón tay người trưởng thành, hình dạng như củ gừng và nhiều sỏi vụn. Sau khi lấy hết sỏi, bác sĩ tiến hành rửa các xoang thận, mô xung quanh thận rồi đóng vết mổ. Sau 120 phút, ca phẫu thuật đã kết thúc thành công. Một ngày sau phẫu thuật, người bệnh tỉnh táo, các chỉ số sinh tồn ổn định.
Ảnh 2
Ảnh 3
Bs.CKII Đoàn Tiến Dương, Trưởng khoa Ngoại thận – Tiết niệu – Nam học, trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân cho biết: Với kích thước sỏi lớn và phức tạp như trên, nếu không được phẫu thuật loại bỏ kịp thời, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, nguy cơ cao bị suy thận, ứ nước, ứ mủ, giãn thận dẫn đến mất chức năng thận, gẫy nhiễm trùng.
Bác sĩ Dương khuyến cáo thêm, khi xuất hiện các triệu chứng đau âm ỉ vùng thắt lưng, không thường xuyên, tiểu máu hoặc nước tiểu có màu bất thường, nhiễm trùng tiểu gây sốt, ... nên đến các cơ sở khám chữa bệnh uy tín để phát hiện sớm bệnh lý sỏi tiết niệu nhằm đạt hiệu quả điều trị tốt hơn và tránh các biến chứng không mong muốn. Để giảm nguy cơ mắc sỏi, người dân chú ý đến lối sinh hoạt, uống đủ 1,5-2 lít nước/ngày, không ăn nhiều muối./.
Nguồn: Phòng CTXH