Đối với những người bệnh có các can thiệp ngoại khoa thì nguy cơ nhiễm khuẩn tăng lên rất cao, đặc biệt là trong trường hợp phải mổ. Vì vậy, y bác sĩ làm việc trong phòng mổ hoặc thực hiện hay trợ giúp các can thiệp trên thì cần phải rửa tay ngoại khoa để làm giảm và ngăn chặn sự phát triển của các vi khuẩn trên da nếu không may găng tay bị rách. Nhằm cùng cố và cập nhật kiến thức về vệ sinh tay ngoại khoa cho đội ngũ phẫu thuật viên, thủ thuật viên. Chiều 11/9/2023, bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang tổ chức tập huấn vệ sinh tay ngoại khoa bằng chế phẩm chứa cồn.
Tham dự có ThS Vũ Văn Bằng, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn cùng 80 phẫu thuật viên, thủ thuật viên đến từ các khoa, trung tâm trong Bệnh viện.
Tại buổi tập huấn, ThS Vũ Văn Bằng, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn đã trình bày các nội dung chính như: Mục đích của vệ sinh tay ngoại khoa; các phương pháp vệ sinh tay ngoại khoa trong đó trọng tâm giới thiệu phương pháp vệ sinh tay ngoại khoa bằng chế phẩm chứa cồn. Theo đó, hiệu quả kháng khuẩn của các công thức chứa cồn tốt hơn so với các sản phẩm rửa tay ngoại khoa hiện tại. Các công thức chứa cồn 60-95% hoặc với nồng độ 50–95% khi kết hợp với các hóa chất khử khuẩn khác như QAC, hexachlorophene hoặc chlorhexidine gluconate, làm giảm số lượng vi khuẩn trên da ngay sau khi vệ sinh tay tốt hơn các hóa chất khác.
ThS Vũ Văn Bằng cũng đặc biệt lưu ý việc không cần thiết rửa tay bằng nước trước khi chà tay bằng dung dịch chứa cồn trừ khi bàn tay có vết bẩn nhìn thấy. Các phẫu thuật viên nên rửa tay sạch bằng xà phòng trung tính trước khi vào khu vực phòng mổ là đủ. Rửa tay bằng nước có thể hạn chế nguy cơ ô nhiễm bào tử vi khuẩn, chứ không hỗ trợ làm giảm số lượng vi khuẩn trên bàn tay. Thao tác chà tay bằng dung dịch chứa cồn thậm chí có thể bị ảnh hưởng nếu tay không khô hoàn toàn trước khi chà cồn hoặc bị ảnh hưởng bởi chính giai đoạn rửa tay bằng nước.
Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã trang bị máy cấp dung dịch vệ sinh tay tự động và dung dịch vệ sinh tay chứa cồn đạt tiêu chuẩn EN 12791 của Châu Âu cho khu vực phòng mổ và các buồng thủ thuật của các khoa, trung tâm. Từ đó tăng cường tuân thủ thực hành vệ sinh tay ngoại khoa cho đội ngũ phẫu thuật viên, thủ thuật viên, những người trực tiếp tham gia phẫu thuật; làm giảm và ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn; hạn chế việc vết mổ bị nhiễm trùng, tăng hồi phục sau mổ, ngăn chặn biến chứng và giảm nguy cơ gây bệnh cho nhân viên y tế.