Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang: Thuốc sinh học mở lối mới điều trị viêm khớp
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý tự miễn mạn tính, tiến triển, gây tổn thương nhiều khớp ngoại vi và có nguy cơ dẫn đến tàn phế nếu không được điều trị kịp thời và hiệu quả. Trong những năm gần đây, sự ra đời của các thuốc sinh học đã mở ra bước ngoặt mới trong điều trị viêm khớp dạng thấp, mang lại nhiều hy vọng cho người bệnh. Hòa nhịp với xu thế điều trị hiện đại, Khoa Nội Thần kinh - Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang đã ứng dụng thành công thuốc sinh học trong điều trị viêm khớp dạng thấp, ghi nhận nhiều kết quả khả quan.
Ảnh 1
Ca bệnh lâm sàng tiêu biểu: Bệnh nhân cải thiện nhanh chóng sau liệu trình thuốc sinh học
Ngày 4/4/2025, bệnh nhân Nguyễn Thị N., 66 tuổi, trú tại Thị trấn Bố Hạ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang nhập viện trong tình trạng sưng đau nhiều khớp nhỏ ở hai bàn tay, cổ tay, bàn chân, kèm theo biểu hiện cứng khớp buổi sáng kéo dài, gây đau đớn và hạn chế vận động. Bệnh nhân có tiền sử viêm khớp dạng thấp, đã điều trị ngoại trú bằng thuốc kháng viêm không steroid và corticoid, tuy nhiên triệu chứng tiến triển nặng dần.
Tại Khoa Nội Thần kinh - Cơ xương khớp, sau khi khám lâm sàng và thực hiện các cận lâm sàng cần thiết như xét nghiệm định lượng CRP, tốc độ lắng máu (ESR), yếu tố thấp RF, Anti-CCP..., các bác sĩ xác định bệnh nhân đang trong đợt tiến triển của viêm khớp dạng thấp. Trước diễn biến lâm sàng nặng, đáp ứng kém với điều trị thông thường, bệnh nhân được chỉ định sử dụng thuốc sinh học Golimumab (tên biệt dược: Simponi) – một kháng thể đơn dòng ức chế yếu tố hoại tử u TNF-alpha – theo đúng phác đồ hiện hành của Bộ Y tế.
Sau khi được tiêm liều đầu tiên theo liệu trình, bệnh nhân được theo dõi sát sao các chỉ số lâm sàng và cận lâm sàng. Chỉ sau 2 tuần, bệnh nhân có những cải thiện rõ rệt: các triệu chứng đau khớp, sưng viêm giảm rõ; thời gian cứng khớp buổi sáng rút ngắn đáng kể; khả năng vận động và sinh hoạt hàng ngày được phục hồi gần như bình thường. Kết quả xét nghiệm CRP và ESR sau điều trị cũng cho thấy xu hướng giảm tích cực.
Ảnh 2
Thuốc sinh học – Hướng đi mới trong điều trị viêm khớp dạng thấp
Các thuốc sinh học như Golimumab (Simponi) hoạt động bằng cách ức chế chọn lọc các cytokine viêm – yếu tố đóng vai trò trung tâm trong cơ chế bệnh sinh của viêm khớp dạng thấp. Khác với các thuốc điều trị truyền thống như Methotrexate hay corticoid vốn chỉ kiểm soát triệu chứng phần nào, thuốc sinh học tác động trực tiếp vào cơ chế gây bệnh, từ đó mang lại hiệu quả điều trị toàn diện và bền vững hơn.
Nhiều nghiên cứu lâm sàng trên thế giới đã chứng minh rằng việc sử dụng thuốc sinh học không chỉ giúp kiểm soát viêm, giảm đau nhanh chóng mà còn làm chậm quá trình phá hủy khớp, cải thiện chức năng vận động và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh. Đặc biệt, khi được chỉ định đúng đối tượng và theo dõi chặt chẽ, thuốc sinh học có thể giúp bệnh nhân đạt được trạng thái lui bệnh (remission) kéo dài.
Bệnh viện tuyến tỉnh chủ động triển khai điều trị hiện đại
Việc triển khai điều trị viêm khớp dạng thấp bằng thuốc sinh học tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang là một bước tiến lớn trong nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân mắc các bệnh lý cơ xương khớp mạn tính. Với đội ngũ bác sĩ chuyên khoa được đào tạo bài bản, cơ sở vật chất hiện đại và quy trình điều trị chuẩn hóa, bệnh viện đã chủ động cập nhật các tiến bộ y học để phục vụ người bệnh ngay tại địa phương, giảm gánh nặng chuyển tuyến và chi phí điều trị.
BS.CKII Phạm Văn Thi, Trưởng khoa Nội Thần kinh - Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang chia sẻ: “Thuốc sinh học không phải là lựa chọn đầu tay, nhưng là cứu cánh trong những trường hợp bệnh tiến triển nặng, không đáp ứng với điều trị thông thường. Việc áp dụng kịp thời, đúng chỉ định giúp bệnh nhân cải thiện chất lượng cuộc sống rõ rệt, hạn chế nguy cơ tàn phế”.
Ảnh 3
Kỳ vọng nhân rộng mô hình điều trị hiệu quả
Hiệu quả điều trị của thuốc sinh học trong ca bệnh cụ thể tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang một lần nữa khẳng định tiềm năng to lớn của hướng điều trị này. Trong thời gian tới, việc mở rộng chỉ định, tăng cường đào tạo bác sĩ cùng cơ chế chi trả bảo hiểm y tế cho thuốc sinh học sẽ sẽ giúp người bệnh tiếp cận điều trị hiện đại một cách bền vững và hiệu quả hơn.
Nguồn: Phòng CTXH