NGHĨ VỀ NGÀNH Y Cho đến thời điểm này, Việt Nam chưa có một ca bệnh nào tử vong. Read more
NGHĨ VỀ NGÀNH Y
Cho đến thời điểm này, Việt Nam chưa có một ca bệnh nào tử vong.
Ở hậu phương Covid, Chính phủ, quân đội, nhân dân đang khoanh vùng, để ngăn chặn sự lây lan trong xã hội, mọi người đàn đỡ đùm bọc nhau trong kỳ khó khăn.
Đằng sau khắp cánh cổng bệnh viện cả nước, là những trận xáp lá cà của bác sĩ cùng virus. Các bác sĩ trực tiếp đối đầu với tất cả, trí, tài và quyết tâm.
Một hội đồng chuyên môn cả toàn quốc được thành lập.
Một phác đồ được đưa ra, và có tất cả những chuyên gia đầu ngành đóng góp và quyết định.
Đã có những thời điểm ngàn cân treo sợi tóc, nhưng phải thật kiên cường mới "giữ sạch lưới" đến hôm nay.
Đến thời điểm này, còn ai dám chê bác sĩ Việt Nam dở ẹc nữa không?
Tôi lại nằm suy nghĩ về ngành y, và những gì tôi biết về họ. Từ một bà nhà thơ mường tượng " khoa nội là trong bụng, khoa ngoại là sức thuốc bên ngoài"... tôi đã nhìn thấy rất nhiều điều sau 6 năm lê lết khắp các bệnh viện.
Tôi theo chân các bác sĩ để hiểu thật sự bệnh nhân tôi đang giúp. Về căn bệnh của bé như: ROP, như não úng thuỷ, teo đường mật, dị dạng, phỏng, ung thư... Rồi có khi theo các giảng viên, tôi ngồi ở cuối giảng đường ĐHYD để nghe hẳn hoi một bài đại cương. Cũng có khi được vào phòng mổ (lý do đặc biệt nha), tôi kết bạn với nhiều bác sĩ hơn, tôi đi ăn cơm cùng họ, hân hạnh được tham gia những buổi gặp gỡ bác sĩ lớn có, bác sĩ trẻ có, nhân viên có, mà lãnh đạo cũng có... Nên thấy nhiều điều ở cánh áo blouse trắng Việt Nam.
Đất nước mình, kinh tế còn bấp bênh, việc đầu tư cho y tế cũng chông chênh nhiều lắm. Nhìn các bác sĩ đang là lá chắn đương đầu trong cơn đại dịch mới xót lòng. Bởi thực tế điều họ nhận được so với cống hiến ở nước ta chua quá. Lương một bác sĩ nội trú hiện tại chắc tháng được 7 triệu họ sống sao, để tiếp tục học hành nâng cấp chuyên môn. Bài toán kinh tế áp lực kinh khủng đối với nhân sự ngành y, khi những bác sĩ có phòng mạch giàu xụ mà bạn thấy là thiểu số.
Để giỏi thì họ phải học, học thì không có tiền, để có tiền thì không có thời gian, không còn chút thời gian thì không còn sức khoẻ.
Bạn tôi, bằng tuổi, nhiệt huyết, bác sĩ mổ tim của bệnh viện nhi. Vì vẫn còn trong quá trình tập trung chuyên môn, bạn chỉ kiếm được tiền vừa đủ, chăm lo học hành, đọc sách. Vợ bạn có nhiều so sánh, hôn nhân kết thúc cũng là lúc bạn phát hiện ung thư gan... một năm sau rồi mất. Đó là người bạn chỉ có 3 chiếc áo sơ mi, giày vải, giản đơn, sẵn sàng bỏ tôi hay bất kỳ ai lại quán ăn, về thông tim cho bệnh nhân gấp.
Tôi hay chọc mấy bác sĩ quen: Các anh ngáo ộp với xã hội học quá. Ông nào cũng làm em mắc cười chết đi được. Hiếm lắm mới có một nhân tố sành điệu bật ra. Bởi vì để họ đủ tài lực, đủ thong thả với cuộc đời thì hình như ai đầu cũng hai thứ tóc.
3 năm trước, viết cái bài na ná như vầy: " Đừng biến bác sĩ thành mồi ngon của dư luận", nhiều bác sĩ nhắn tin cho tôi cảm ơn tha thiết vì đã hiểu. Mà cũng không ít người nhà bệnh nhân, chửi tôi nịnh tôi bênh.
Tôi không bênh. Tôi nói điều tai nghe mắt thấy. Nếu chúng ta tập trung vào y tế, nếu chúng ta có những nguồn quỹ, các học bỗng để đầu tư cho các bác sĩ yên tâm học lên thì nói thiệt, như giờ các bạn thấy, chẳng kém cạnh nước nào đâu.
Bác sĩ đi học thì cũng phải ăn , cũng phải tươm tất đời sống. Chứ ai đời đa phần, nếu không có nền tảng gia đình, các bác sĩ có chuyên khoa 1, hay nội trú ra rồi vẫn làng nhàng cỡ một anh công nhân lành nghề, dù bao nhiêu năm đèn sách, trực và trực.
Đừng so sánh y tế Việ Nam với Singapore là không fairplay đâu các bạn. Cơ sở hạ tầng của họ quá tốt, bệnh viện hiện đại, máy móc tối tân, bác sĩ được ổn định đời sống để tiếp tục nghiên cứu trau dồi. Còn ở Việt nam có một thứ duy nhất hơn Singapore, là một chiến trường đông bệnh, thành cơ hội thực hành liên tục, trăm hay không bằng tay quen (em nói câu này các bác sĩ đồng ý không ạ). Nhiều giáo sư, tiến sĩ nước ngoài tìm số liệu báo cáo, chờ một ca bệnh miệt mài. Trong khi đó ở Việt Nam mỗi ngày và mỗi ngày quá tải.
Tôi nói chơi mà thiệt: yên tâm đi, nếu vỡ trận, sức chịu đựng của bác sĩ Việt Nam sẽ cao hơn các nước khác. Họ quen rồi, ngày nào cũng con số trăm trăm bệnh, họ cũng quen rồi những hành lang không có chỗ bước chân. Họ cũng quen rồi, người ta túm lấy mình xé áo " MM, thằng bác sĩ, có khám trước cho người nhà ông trước không?". Trong cái rủi thường ngày lại là cái may của đại dịch.
Bạn hỏi tôi cái xấu ngành y là gì. Câu trả lời là: nhiều. Nhiều, nhưng nhiều người không biết được. Nó ẩn sau một cơ chế vận hành, nó là những mối bận tâm trên từng bậc thang thăng tiến. Họ là những người thuộc hàng đỉnh cao của học thức, nên một khi họ muốn xấu rồi, thì không đơn giản những thứ thường ngày mình kêu ca đâu. Chỉ là cái gì cần làm phải làm, cần lên tiếng phải lên tiếng mà thôi.
Sau trận đại chiến thành CORONA này, nhà nước và nhân dân cần có nhiều điều nhìn nhận. Tầm quan trọng của Y TẾ thế nào cho sự hưng thịnh một quốc gia. Nước muốn giàu thì dân phải khoẻ mạnh. Dân muốn khoẻ mạnh thì y tế phải tầm cao.
Kêu gọi sự đầu tư và quan tâm cho ngành y, không chỉ nhà nước, mà trong nhân dân nữa. Xin hiểu cho nỗi khổ của các bác sĩ, mà có những quan điểm, thái độ, và ứng xử khác. Không phải phong bì, mà là nhớ ơn... nhớ ơn người đã cứu chữa cho mình.
Xin đầu tư cho các bệnh viện
Xin các doanh nghiệp, các tổ chức nghĩ thêm đến các học bỗng về y khoa, việc đào tạo nguồn lực.
Xin cho đời sống nhân viên y tế khá hơn. Không chỉ bác sĩ, mà cả điều dưỡng y công, để họ có lý do tiếp tục làm việc và cống hiến. Để đừng ai hằn học với ai giữa lằn ranh của sự sống còn, để quy về một mối bận tâm chung là mọi người khoẻ mạnh, xã hội an lành và cùng nhau phát triển.