Trưởng khoa: Ths. Vũ Văn Bằng

Điều dưỡng trưởng khoa: ĐD.CKI Nguyễn Thị Ngà

I. Vị trí, chức năng:

Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn là khoa chuyên môn thuộc khối cận lâm sàng, chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Giám đốc bệnh viện, chịu trách nhiệm trước Ban Giám đốc về công tác kiểm soát nhiễm khuẩn và các nhiệm vụ quản lý khác được giao trong toàn bộ Bệnh viện.

 

II. Nhiệm vụ, quyền hạn

1. Xây dựng, phổ biến các hướng dẫn, quy định, quy trình kế hoạch kiểm soát nhiễm khuẩn trên cơ sở kế hoạch hành động quốc gia, mục tiêu chất lượng về kiểm soát nhiễm khuẩn phù hợp với nguồn lực và điều kiện thực tiễn của bệnh viện theo từng giai đoạn.

 

2. Giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện và các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ gây dịch.

a. Giám sát, phát hiện, báo cáo và quản lý dữ liệu nhiễm khuẩn bệnh viện, vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh, các trường hợp mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm có nguy cơ gây dịch.

b. Thực hiện biện pháp can thiệp kịp thời nhằm làm giảm nhiễm khuẩn bệnh viện và các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ gây dịch, sử dụng kháng sinh hợp lý trên cơ sở kết quả giám sát.

3. Giám sát tuân thủ thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn

a. Kiểm tra, giám sát tuân thủ các quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn đặc biệt khi thực hiện phẫu thuật, thủ thuật và các kỹ thuật xâm lấn khác đối với tất cả người hành nghề, người làm việc khác (gọi chung là nhân viên y tế), học sinh, sinh viên, học viên (gọi chung là học viên), người bệnh, người nhà người bệnh và khách thăm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

b. Hướng dẫn, nhắc nhở nhân viên y tế, học viên, người bệnh, người nhà người bệnh và khách thăm tuân thủ các quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn.

c. Tổ chức thực hiện các quy định về vệ sinh tay. Kiểm tra, giám sát để bảo đảm việc tuân thủ các quy định về vệ sinh tay của nhân viên y tế, học viên, người bệnh, người nhà người bệnh và khách thăm.

4. Tổ chức thực hiện các quy định về phòng ngừa chuẩn, phòng ngừa dựa theo đường lây truyền và sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân cho nhân viên y tế, học viên, người bệnh, người nhà người bệnh và khách thăm.

a. Thực hiện các biện pháp cách ly phòng ngừa phù hợp đối với người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người bệnh nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc kháng sinh.

b. Hướng dẫn, nhắc nhở nhân viên y tế, học viên, người bệnh, người nhà người bệnh và khách thăm phải tuân thủ các biện pháp phòng ngừa chuẩn, phòng ngừa dựa theo đường lây truyền và sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân khi khám bệnh, điều trị và chăm sóc người bệnh.

c. Kiểm tra việc tuân thủ phòng ngừa chuẩn, phòng ngừa dựa theo đường lây truyền và sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân của nhân viên y tế học viên, người bệnh, người nhà người bệnh và khách thăm.

5. Quản lý và xử lý thiết bị, dụng cụ y tế

a. Thực hiện quản lý, xử lý dụng cụ y tế tập trung, kiểm soát việc xử lý thiết bị, dụng cụ y tế tái sử dụng bảo đảm an toàn, chất lượng.

b. Bảo quản thiết bị, dụng cụ y tế sau xử lý bảo đảm vô khuẩn trước khi sử dụng cho người bệnh.

c. Kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về quản lý, xử lý thiết bị, dụng cụ y tế tại các khoa, phòng.

6. Quản lý và xử lý đồ vải y tế

a. Cung cấp đồ vải cho người bệnh, nhân viên y tế hằng ngày và khi cần.

b. Xử lý đồ vải tập trung tại khu giặt là. Đồ vải nhiễm khuẩn, đồ vải có máu, dịch tiết sinh học phải được xử lý riêng bảo đảm an toàn.

c. Bảo quản đồ vải sau xử lý trong tủ, kệ bảo đảm sạch, vô khuẩn và được vận chuyển riêng bằng phương tiện chuyên dụng.

d. Kiểm soát chất lượng, thường xuyên kiểm tra, giám sát, quy trình xử lý đồ vải.

7. Quản lý chất thải y tế

a. Thực hiện quản lý chất thải y tế theo quy định của pháp luật.

b. Kiểm tra, giám sát việc tuân thủ thực hành quản lý chất thải, bảo đảm chất thải được phân loại, lưu giữ, vận chuyển, xử lý an toàn theo đúng quy định của pháp luật.

8. Vệ sinh môi trường bệnh viện

a. Tổ chức thực hiện, kiểm tra vệ sinh môi trường theo đúng quy định, bảo đảm chất lượng môi trường nước, môi trường bề mặt, môi trường không khí cho từng khu vực theo quy định của Bộ Y tế và các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

b. Thực hiện diệt chuột, côn trùng định kỳ.

9. Tổ chức kiểm tra an toàn thực phẩm về vi sinh vật.

a. Giám sát, báo cáo các trường hợp bị nhiễm khuẩn liên quan đến thực phẩm được sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

b. Phối hợp với cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm tại địa bàn để triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến cho các cơ sở chế biến, cung cấp thực phẩm, nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh về an toàn thực phẩm.

10. Xây dựng kế hoạch ứng phó với các dịch bệnh; phối hợp với cơ sở y tế dự phòng và các cơ sở y tế khác trong việc phòng, chống dịch bệnh và các tình huống khẩn cấp trên địa bàn theo sự phân công của cơ quan quản lý.

a. Chuẩn bị sẵn cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, hóa chất, vật tư và nhân lực tham gia phòng, chống dịch bệnh.

b. Tổ chức tập huấn cho nhân viên y tế về phòng, chống dịch bệnh.

c. Thực hiện chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm theo quy định.

11. Quản lý hóa chất, vật tư dùng trong kiểm soát nhiễm khuẩn

a. Xây dựng định mức, kiểm tra chất lượng và quản lý việc sử dụng hóa chất, vật tư dùng trong kiểm soát nhiễm khuẩn.

b. Kiểm tra, quản lý việc sử dụng hóa chất, vật tư dùng trong kiểm soát nhiễm khuẩn bảo đảm an toàn, tiết kiệm và hiệu quả.

12. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của Giám đốc

 

III. Cơ cấu tổ chức

1. Lãnh đạo Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn gồm: Trưởng khoa, 01 Phó trưởng khoa và Điều dưỡng trưởng. Lãnh đạo khoa do Giám đốc Bệnh viện bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm theo quy định của pháp luật và của UBND tỉnh Bắc Giang.

- Trưởng khoa chịu trách nhiệm cá nhân trước Giám đốc Bệnh viện và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của khoa.

- Phó trưởng khoa giúp việc Trưởng khoa một số công việc khi được Trưởng khoa phân công, chịu trách nhiệm trước Trưởng khoa và trước pháp luật về công việc được giao. Trưởng khoa ủy quyền điều hành và giải quyết các công việc của Khoa cho một Phó trưởng khoa khi Trưởng khoa vắng mặt.

- Điều dưỡng Trưởng khoa có trách nhiệm lập kế hoạch, phân công công việc cho điều dưỡng trong khoa. Điều dưỡng Trưởng khoa chịu trách nhiệm trước Trưởng khoa và trước pháp luật về công việc được giao.