NỘI TỔNG HỢP
Khoa Nội Tổng hợp được tách ra từ khoa Nội và thành lập ngày 05/5/1998. Qua hơn 20 năm thành lập cùng với sự phát triển của bệnh viện, từ khoa Nội Tổng hợp đã tách ra 3 khoa: Nội Thận – Tiết niệu – Lọc máu vào ngày 10/11/2011 và khoa Nội Thần kinh- Cơ – Xương – Khớp từ ngày 12/01/2013, khoa Nội Tiêu Hóa từ ngày 04/07/2016.
1. Trưởng khoa: Bác sĩ chuyên khoa II: Đỗ Ngọc Thịnh
2. Phó trưởng khoa: BS CKII Chu Thị Hường
Hiện nay với biên chế 19 CBCNVC trong đó: 01 bác sĩ chuyên khoa II, 05 bác sĩ chuyên khoa I, 01 thạc sỹ và 01 bác sỹ đa khoa, 11 điều dưỡng. Khoa Nội Tổng hợp thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh nội trú và quản lý ngoại trú các bệnh lý về huyết học và nội tiết.
* Về điều trị nội trú, với chỉ tiêu 40 giường bệnh được giao, khoa thực hiện việc khám và chữa bệnh nội khoa các bệnh chuyên ngành nội tiết như bệnh lý tuyến giáp (Cường giáp, suy giáp…), đái tháo đường và các biến chứng cấp tính và mạn tính của đái tháo đường (như tăng áp lực thẩm thấu, nhiễm toan ceton, bệnh chứng thần kinh ngoại biên, loét nhiễm trùng bàn chân…). Bệnh lý huyết học như giảm tiểu cầu miễn dịch, tan máu miễn dịch, tan máu bẩm sinh (Thalassemia), suy tủy xương và thiếu máu do các nguyên nhân khác…
* Đơn vị quản lý điều trị ngoại trú có kiểm soát bệnh Nội tiết - Đái tháo đường được triển khai từ năm 2002. Sau 16 năm hoạt động, khoa Nội tổng hợp đã quản lý, theo dõi điều trị cho hơn 5000 bệnh nhân đái tháo đường, đã chuyển giao về y tế tuyến cơ sở hơn 3000 bệnh nhân. Hiện tại khoa còn quản lý gần 2000 bệnh nhân. Từ năm 2016 khoa triển khai thêm quản lý ngoại trú bệnh lý tuyến giáp, hiện nay có hơn 300 bệnh nhân tuyến giáp. Hầu hết bệnh nhân điều trị ngoại trú đều được kiểm soát tốt về bệnh, góp phần đáng kể làm chậm tiến triển, ngăn ngừa biến chứng, giảm tỷ lệ tàn phế và tử vong, giảm tình trạng quá tải cho bệnh nhân vào điều trị nội trú, góp phần giảm chi phí điều trị cho bệnh nhân, gia đình và xã hội.
* Để tăng cường chất lượng quản lý điều trị bệnh, khoa triển khai phòng “Khám tư vấn điều trị bệnh Nội tiết - Đái tháo đường và Huyết học lâm sàng” nhằm thực hiện tốt công tác tư vấn và truyền thông cho bệnh nhân. Với các nội dung tư vấn như: Những kiến thức phổ thông về bệnh và các biến chứng của bệnh. Hướng dẫn chế độ ăn uống, sinh hoạt và luyện tập. Hướng dẫn tự theo dõi bệnh tại nhà (theo dõi glucose máu mao mạch, nhận biết và phòng tránh biến chứng, tác dụng phụ của thuốc..). Hướng dẫn kỹ thuật tiêm Insulin…