Tháng 5/2019, tại Giơnevơ, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thông qua quyết định lấy ngày 17/9 hàng năm là Ngày An toàn người bệnh thế giới.

Nguyên tắc hàng đầu của thực hành y khoa là “ Điều đầu tiên không gây tổn hại cho người bệnh – First Do No Harm to patient” đang là điều trăn trở đối với người hành nghề khám chữa bệnh và đã có những sự kiện y tế gây tâm lý bất an cho cả người sử dụng và người cung cấp dịch vụ y tế. Bằng chứng nghiên cứu đa quốc gia đã khẳng định người bệnh đang phải gánh chịu nhiều thiệt hại do sai sót chuyên môn và sự cố y khoa. Mặc dù những sai sót và sự cố này không ai muốn và không ai chấp nhận những nó vẫn xảy ra hàng ngày.

 

 

 

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới: hiện nay, ngay tại các nước phát triển, khi tiếp nhận các dịch vụ khám chữa bệnh, khoảng 10% người bệnh lại bị tổn hại sức khoẻ của bản  thân do các sự cố y khoa. Trong các sự cố này có tới 50% nguyên nhân là có thể phòng tránh được như: nhiễm khuẩn bệnh viện, chẩn đoán chậm và không chính xác, nhầm người bệnh, nhầm vị trí phẫu thuật, nhầm thuốc… Chi phí để điều trị hậu quả do các sự cố y khoa gây ra chiếm hơn 15% chi phí chung tại bệnh viện. Do vậy, an toàn người bệnh là vấn đề sức khoẻ cộng đồng mang tính toàn cầu. Mục tiêu của an toàn người bệnh là các dịch vụ khám chữa bệnh hướng tới chăm sóc sức khỏe cho người bệnh trước hết phải cố gắng không làm tổn hại thêm cho chính bản thân họ. An toàn người bệnh trước hết là phòng ngừa tổn thương và hạn chế tai biến y khoa. Muốn thực hiện tốt phòng ngừa tổn thương và hạn chế tai biến y khoa trước hết phải thay đổi nhận thức và thái độ hành vi về sự cố y khoa.

Là Bệnh viện tuyến cuối của tỉnh Bắc Giang, hàng ngày thực hiện khám, chữa bệnh cho trên 2000 người bệnh, lãnh đạo và nhân viên của bệnh viện luôn xác định bệnh viện là môi trường nguy cơ cao, nơi các sự cố y khoa có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào và từ bất kỳ dịch vụ khám chữa bệnh nào. Ở bất cứ công đoạn nào của mọi quy trình chẩn đoán, chăm sóc, điều trị đều chứa đựng các nguy cơ tiềm tàng cho người bệnh. Bên cạnh đó, các thầy thuốc thường xuyên bị áp lực công việc do tình trạng quá tải và áp lực về tâm lý, vì vậy, sự cố y khoa không mong muốn là điều khó tránh khỏi và trong nhiều trường hợp ngoài tầm kiểm soát.

Thực hiện Thông tư số 43/2018/TT - BYT, ngày 26/12/2018 của Bộ Y tế về hướng dẫn phòng ngừa sự cố y khoa trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Trong những năm vừa qua, bệnh viện đã xây dựng các kế hoạch phòng ngừa sự cố y khoa tại bệnh viện, tổ chức các lớp tập huấn để mọi nhân viên y tế nhận thức được sự cố y khoa được xác định là các tình huống không mong muốn xảy ra trong quá trình chẩn đoán, chăm sóc và điều trị do các yếu tố khách quan, chủ quan mà không phải do diễn biến bệnh lý hoặc cơ địa người bệnh, tác động sức khỏe, tính mạng của người bệnh. Việc phòng ngừa sự cố y khoa trên cơ sở nhận diện, báo cáo, phân tích tìm nguyên nhân, đưa ra các khuyến cáo phòng ngừa, tránh tái diễn sự cố y khoa để nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, an toàn cho người bệnh và không nhằm mục đích khác. Việc phòng ngừa sự cố y khoa là trách nhiệm của lãnh đạo và nhân viên y tế làm việc trong bệnh viện, được khuyến khích, động viên và bảo vệ.

Nhờ có những hoạt động tích cực trên nên cho đến 30/8/2023 tại bệnh viện đã có 155 báo cáo sự cố y khoa (Trong đó có 04 báo cáo sự cố y khoa bắt buộc)  được ghi nhận. Đa số nhân viên y tế của bệnh viện đã xác định việc xây dựng văn hoá an toàn người bệnh là hoạt động quan trọng làm thay đổi theo chiều hướng tích cực những suy nghĩ, thái độ và hành vi của nhân viên bệnh viện liên quan đến an toàn người bệnh, tạo không khí cởi mở cho nhân viên trao đổi về sai sót, phân tích hệ thống để xác định lỗi hệ thống hay lỗi cá nhân khi có sai sót xảy ra để có biện pháp khắc phục hay chế tài phù hợp.

An toàn người bệnh là một trong những yếu tố cốt lõi, quan trọng của quản lý chất lượng bệnh viện và là vấn đề được toàn thế giới quan tâm. Phòng ngừa sự cố y khoa là trách nhiệm của mọi nhân viên y tế. Vì vậy, mỗi khoa, phòng, trung tâm, mỗi bộ phận cần tiếp tục đổi mới tư duy, chuyển đổi thành văn hóa dự phòng, tích cực tìm hiểu, phát hiện các yếu tố có thể dẫn đến sự cố y khoa để phòng ngừa. Đồng thời, tích cực thực hiện các đề án cải tiến chất lượng, các đề tài nghiên cứu khoa học để nâng cao chất lượng bệnh viện.

 

 

Nguồn: Phòng Quản lý chất lượng