Tái tạo dây chằng chéo trước là phương pháp phẫu thuật tối ưu nhất hiện nay đối với những bệnh nhân tổn thương dây chằng chéo trước, phương pháp này không gây đau đớn cho người bệnh, thời gian phẫu thuật và hồi phục sau đó tương đối ngắn. Tuy nhiên, để có thể đi lại một cách dễ dàng hơn thì người bệnh cần được tập phục hồi chức năng.

Phẫu thuật không phải là đã hoàn tất quá trình điều trị. Vì thế, sau mổ bạn vẫn cần phải duy trì việc tập luyện đúng cách và đúng cường độ để khớp gối hoạt động linh hoạt trở lại. Bên cạnh đó, người được mổ nội soi khớp còn có một số nguy cơ như huyết khối tĩnh mạch sâu, tổn thương ngẫu nhiên trong khớp gối, tổn thương dây thần kinh hay lỏng gối… Vì vậy, việc tập luyện là cần thiết và hiệu quả trong việc giúp khớp gối phục hồi. 

Tuy nhiên, khi tập luyện người bệnh cần nhớ là không nên tự ý tập tại nhà mà cần phải có ý kiến của bác sĩ về thời gian bắt đầu được tập, cường độ tập, các bài tập cụ thể. Tốt nhất nên đến các cơ sở khám chữa bệnh có chuyên khoa phục hồi chức năng uy tín. Khoa Vật lý trị liệu- phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang là một địa chỉ tin cậy.

Bệnh nhân N.H.K- 17 tuổi đang tập phục hồi chức năng khớp gối phải sau phẫu thuật nội soi tái tạo DCCT gối phải tuần thứ 4 tại khoa Vật lý trị liệu- phục hồi chức năng, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang

Khi đến đây bạn sẽ được tập từ chậm đến nhanh, từ nhẹ đến mạnh, từ ít đến nhiều… để khớp gối có thời gian làm quen và không tái chấn thương sau phẫu thuật. Các bài tập được đưa ra phù hợp với thời gian sau phẫu thuật, tình trạng thực tế của bạn và được thiết kế theo tuần nhằm mục đích giảm đau, giảm viêm, bảo vệ mảnh ghép, cải thiện tầm vận động của khớp và gia tăng sức mạnh cơ gần như trước khi chấn thương. Nên tập phục hồi chức năng sớm để đạt kết quả tốt nhất.

Chương trình phục hồi chức năng gồm: Bài tập kéo dãn duỗi khớp gối. Bài tập gia tăng tầm vận động khớp gối. Bài tập vận động khớp hông, khớp cổ chân chủ động. Bài tập đá tạ. Bài tập mạnh cơ. Bài tập đề kháng tăng tiến. Tập đi nạng chịu sức theo khả năng…

Về dinh dưỡng người bệnh nên chú ý cân bằng 4 nhóm dinh dưỡng trong khẩu phần ăn. Tăng cường thêm vitamin và khoáng chất. Bổ sung thêm canxi và các chất chống oxy hoá

Trong sinh hoạt cần lưu ý: Tránh vận động với tần suất mạnh, tránh gập- duỗi gối nhiều. Không tự ý tháo nẹp cố định khi chưa có ý kiến của bác sĩ. Đi lại vừa đủ tránh teo cơ

 

Nguồn: Khoa Phục hồi chức năng - Vật lý trị liệu