Nhiễm khuẩn vết mổ(NKVM) là hậu quả không mong muốn thường gặp nhất và là nguyên nhân quan trọng gây tử vong ở người bệnh được phẫu thuật trên toàn thế giới. NKVM để lại hậu quả nặng nề cho người bệnh do kéo dài thời gian nằm viện, tăng tỷ lệ tử vong và tăng chi phí điều trị. Kiểm soát tốt NKVM làm giảm rõ rệt tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện chung của toàn bệnh viện, qua đó cải thiện chất lượng khám chữa bệnh.

1. Phân loại phẫu thuật

Các phẫu thuật được phân loại theo bảng phân loại của Altemeier. Mỗi loại phẫu thuật có một nguy cơ nhiễm trùng sau mổ khác nhau thay đổi từ <5% đến >30%.

Bảng 1. Phân loại Phẫu thuật và nguy cơ nhiễm khuẩn vết mổ

Loại phẫu thuật

Định nghĩa

Nguy cơ NKVM

KSDP

Không KSDP

Sạch

Là những phẫu thuật không có nhiễm khuẩn, không mở vào đường hô hấp, tiêu hóa, sinh dục và tiết niệu. Các vết thương sạch được đóng kín kỳ đầu hoặc được dẫn lưu kín. Các phẫu thuật sau chấn thương kín.

< 1%

1 - 5%

Sạch - Nhiễm

Là các phẫu thuật mở vào đường hô hấp, tiêu hoá, sinh dục và tiết niệu trong điều kiện có kiểm soát và không bị ô nhiễm bất thường. Trong trường hợp đặc biệt, các phẫu thuật đường mật, ruột thừa, âm đạo và hầu họng được xếp vào loại vết mổ sạch nhiễm nếu không thấy có bằng chứng nhiễm khuẩn/ không phạm phải lỗi vô khuẩn trong khi mổ.

< 7%

5 – 15%

Nhiễm

Các vết thương hở, chấn thương có kèm vết thương mới hoặc những phẫu thuật để xảy ra lỗi vô khuẩn lớn hoặc phẫu thuật để thoát lượng lớn dịch từ đường tiêu hoá. Những phẫu thuật mở vào đường sinh dục tiết niệu, đường mật có nhiễm khuẩn, phẫu thuật tại những vị trí có nhiễm khuẩn cấp tính nhưng chưa hoá mủ.

< 15%

> 15%

Bẩn

Các chấn thương cũ kèm theo mô chết, dị vật hoặc ô nhiễm phân. Các phẫu thuật có nhiễm khuẩn rõ hoặc có mủ

Giảm

> 30%

2. Nhiễm khuẩn vết mổ

Nhiễm khuẩn tại vị trí phẫu thuật xuất hiện trong khoảng thời gian 30 ngày hoặc 90 ngày tính từ ngày phẫu thuật*. Có 3 loại NKVM: NKVM nông, sâu và cơ quan/khoang phẫu thuật.

2.1. Nhiễm khuẩn vết mổ nông

Xảy ra trong vòng 30 ngày sau phẫu thuật (với ngày 1 là ngày phẫu thuật). VÀ nhiễm khuẩn chỉ ở tổ chức da và dưới da tại vị trí vết mổ. VÀ có một hoặc nhiều dấu hiệu, triệu chứng sau:

a. Chảy mủ từ bề mặt vết mổ.

b. Phát hiện được vi khuẩn từ xét nghiệm nuôi cấy hoặc không nuôi cấy từ bệnh phẩm dịch hoặc mô lấy vô trùng từ vết mổ.

c. Phẫu thuật viên phải mở vết mổ nhưng không xét nghiệm Mẫu bệnh phẩm lấy từ vết mổ VÀ NB có ít nhất một trong những dấu hiệu sau đây:

- Sưng tại chỗ

- Đỏ hoặc nóng

- Cảm thấy đau hoặc đau khi chạm vào vết mổ

d. Bác sỹ chẩn đoán là nhiễm khuẩn vết mổ nông.

2.2. Nhiễm khuẩn vết mổ sâu:

Nằm trong khoảng 30 ngày hoặc 90 ngày tính từ khi phẫu thuật (với ngày 1 là ngày phẫu thuật). VÀ xảy ra ở mô mềm sâu (ví dụ: cân, cơ) của vết mổ.  có một hoặc nhiều dấu hiệu, triệu chứng sau:

a. Chảy mủ từ vết mổ sâu

b. Toác vết mổ tự nhiên hoặc do phẫu thuật viên chủ động mở vết mổ

VÀ phát hiện được vi khuẩn từ xét nghiệm nuôi cấy hoặc không nuôi cấy từ bệnh phẩm dịch hoặc mô mềm sâu lấy vô trùng từ vết mổ. VÀ có một hoặc nhiều triệu chứng sau:

- Sốt > 38°C

- Cảm thấy đau tại chỗ hoặc đau khi chạm

c. Áp xe hoặc có bằng chứng của NKVM sâu thông qua khám thực thể, phẫu thuật lại, xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh hoặc xét nghiệm giải phẫu bệnh (mô bệnh học).

2.3. Nhiễm khuẩn vết mổ tại cơ quan/khoang phẫu thuật:

Xảy ra trong vòng trong khoảng 30 ngày hoặc 90 ngày tính từ khi phẫu thuật (với ngày 1 là ngày phẫu thuật).  liên quan đến bất kỳ bộ phận nào của cơ thể nằm sâu hơn các lớp cân/cơ được mở hoặc thao tác khác trong quá trình phẫu thuật. VÀ có một hoặc nhiều dấu hiệu, triệu chứng sau:

a. Chảy mủ từ ống dẫn lưu đặt tại cơ quan/khoang phẫu thuật

b. Phát hiện được vi khuẩn từ xét nghiệm nuôi cấy hoặc không nuôi cấy từ bệnh phẩm dịch hoặc mô lấy vô trùng từ cơ quan/khoang phẫu thuật.

c. Áp xe hoặc có bằng chứng của NKVM sâu thông qua khám thực thể, phẫu thuật lại, xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh hoặc xét nghiệm giải phẫu bệnh

3. Các biện pháp dự phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn vết mổ:

3.1. Biện pháp chung:

- Tắm khử khuẩn cho người bệnh trước phẫu thuật;

- Loại bỏ lông và chuẩn bị vùng rạch da đúng quy định;

- Khử khuẩn tay ngoại khoa và thường quy bằng dung dịch rửa tay chứa cồn;

- Áp dụng đúng liệu pháp kháng sinh dự phòng

- Tuân thủ chặt chẽ quy trình vô khuẩn trong buồng phẫu thuật

- Kiểm soát đường huyết, ủ ấm người bệnh trong phẫu thuật.

- Duy trì tốt các điều kiện vô khuẩn khu phẫu thuật như dụng cụ, đồ vải, nước vô khuẩn để rửa tay ngoại khoa và đảm bảo thông khí sạch trong buồng phẫu thuật.

Rửa tay ngoại khoa bằng dung dịch cồn có hiệu quả khử khuẩn cao hơn nhiều lần

 so với rửa tay bằng xà phòng

3.2. Chuẩn bị người bệnh trước phẫu thuật

- Xét nghiệm đường máu trước mọi phẫu thuật.

- Phát hiện và điều trị mọi ổ nhiễm khuẩn ở ngoài vị trí phẫu thuật hoặc ổ nhiễm khuẩn tại vị trí phẫu thuật trước mổ đối với các phẫu thuật có chuẩn bị.

- Người bệnh mổ phiên phải được tắm bằng xà phòng kháng khuẩn hoặc dung dịch kháng khuẩn có chứa iodine hoặc chlorhexidine vào tối trước ngày phẫu thuật.

- Không loại bỏ lông trước phẫu thuật trừ người bệnh phẫu thuật sọ não hoặc người bệnh có lông tại vị trí rạch da. Sử dụng kéo cắt hoặc máy cạo râu để loại bỏ lông, không sử dụng dao cạo.

3.3. Sử dụng kháng sinh dự phòng trong phẫu thuật đúng hướng dẫn

3.4. Chăm sóc vết mổ sau phẫu thuật

- Băng vết mổ bằng gạc vô khuẩn liên tục từ 24-48 giờ sau mổ. Chỉ thay băng khi băng thấm máu/dịch, băng bị nhiễm bẩn hoặc khi mở kiểm tra vết mổ.

- Hướng dẫn người bệnh, người nhà người bệnh cách theo dõi phát hiện và thông báo ngay cho nhân viên y tế khi vết mổ có các dấu hiệu/triệu chứng bất thường.

- Cần rút dẫn lưu sớm nhất có thể.

- Theo dõi vết mổ.

 

Phòng Quản lý chất lượng bệnh viện