Bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới diễn tiến âm thầm, có thể gây ra các biến chứng như huyết khối tĩnh mạch nông và huyết khối mạch sâu gây đau, phù nề 2 chi dưới. Nguyên nhân bệnh lý có thể liên quan đến yếu tố di truyền, nghề nghiệp đòi hỏi phải đứng lâu, ngồi nhiều, ít vận động...

1. Suy tĩnh mạch chi dưới mạn tính là gì?

Suy tĩnh mạch chi dưới mạn tính là tình trạng suy giảm chức năng hệ tĩnh mạch chi dưới do suy các van tĩnh mạch thuộc hệ tĩnh mạch nông hoặc tĩnh mạch sâu; có thể kèm theo thuyên tắc tĩnh mạch hoặc không. Giãn tĩnh mạch là biến đổi bất thường về giải phẫu, đặc trưng bởi sự giãn bệnh lý của một hoặc nhiều tĩnh mạch nông. Suy tĩnh mạch mạn tính bao gồm tất cả các thay đổi do hậu quả của giãn tĩnh mạch, hở các van tĩnh mạch và tăng áp lực tĩnh mạch. Các nghiên cứu hầu hết cho thấy trong tổng số bệnh nhân bị suy tĩnh mạch chi dưới mạn tính thì suy tĩnh mạch hiển lớn chiếm đa số. Gillet, J.-L,và c strong một nghiên cứu trên 1025 bệnh nhân suy tĩnh mạch chi dưới mạn tính thấy tỉ lệ suy tĩnh mạch hiển lớn là 79,8% và 20,2% là suy tĩnh mạch hiển bé [1].

2. Chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào khám lâm sàng và siêu âm doppler tìm dòng trào ngược (DTN) tĩnh mạch để khẳng định chẩn đoán [2].

2.1. Triệu chứng lâm sàng suy tĩnh mạch chi dưới mạn tính

  • Bệnh nhân suy tĩnh mạch chi dưới mạn tính thường đến khám vì lý do thẩm mỹ, do các tĩnh mạch giãn ngoằn nghoèo dưới da hoặc có những triệu chứng sau:
  • Tức, nặng chân: ở cẳng chân, thường xuất hiện vào cuối ngày làm việc, trước kỳ kinh nguyệt, khi thời tiết nóng bức hoặc sau khi phải đứng bất động kéo dài, giảm khi gác cao chân.
  • Đau chân: cảm giác đau dọc từ hai bắp chân trở xuống bàn chân
  • Cảm giác khó chịu, bứt rứt, tê bì ngoài da, hay như kiến bò ngoài da.
  • Chuột rút về đêm. 
  • Phù chi dưới: Thường là phù ở bàn chân, cổ chân, 1/3 dưới cẳng chân
  • Tình trạng giãn tĩnh mạch: các mạch máu bé li ti xuất hiện trên bề mặt da như mạng nhện có màu đỏ tía hoặc xanh hoặc hình thành các búi giãn tĩnh mạch ở lớp dưới da.
  • Biến đổi sắc tố da (xạm thâm), chàm, xơ mỡ da, teo trắng, viêm da
  • Loét tĩnh mạch: là giai đoạn cuối của suy tĩnh mạch mạn tính, loét thường ở mặt trong cẳng chân quanh mắt cá
  • Phân loại suy tĩnh mạch theo phân độ CEAP: Chia làm các mức độ từ C0 đến C6:(C0: không sờ thấy hoặc không nhìn thấy các dấu hiệu của bệnh lý tĩnh mạch. C1: giãn mao mạch hoặc các giãn tĩnh mạch dạng lưới. C2: các giãn tĩnh mạch trên bắp chân hoặc trên đùi. C3: phù chi dưới nhưng chưa có nhiều biến đổi trên da. C4: thay đổi màu sắc da do bệnh lý tĩnh mạch: a: xạm da hoặc chàm; b: xơ hóa da dạng mỡ hoặc các mảng teo da màu trắng. C5: thay đổi màu sắc da với các vết loét đã lành. C6: thay đổi màu sắc da với các vết loét hoạt động).
 

 

2.2. Siêu âm Doppler suy tĩnh mạch chi dưới mạn tính:

Tĩnh mạch bình thường

Tĩnh mạch bị suy


        Siêu âm Doppler mạch máu chi dưới sẽ giúp cho việc quan sát thành mạch, hoạt động của các van tĩnh mạch, đường đi của mạch máu, kích thước của tĩnh mạch,… .Từ đó xác định được cách điều trị phù hợp.

       Chẩn đoán suy tĩnh mạch khi làm siêu âm Doppler nếu có dòng trào ngược với thời gian ≥ 1 giây.

 Hình ảnh tĩnh mạch bình thường trên siêu âm Doppler 

 

 Hình ảnh dòng trào ngược tĩnh mạch trên siêu âm Doppler 2,2 giây

 

     3. Phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch qua việc tạo thói quen lành mạnh

  • Kiểm soát cân nặng hợp lý
  • Tránh tư thế đứng lâu,ngồi quá lâu là tư thế cản trở dòng máu trở về tim
  • Tập thể dục thể thao thường xuyên: bi bộ, đạp xe, bơi,…
  • Hạn chế đi giày cao gót, nằm gác cao chân.
  • Hạn chế làm việc trong môi trường nắng nóng kéo dài, tránh ngâm chân nước nóng
  • Khi đi máy bay hoặc đi xe dài ngày nên liên tục co duỗi chân để tránh máu ử đọng gây tê chân
  • Đeo tất áp lực để giảm sự khó chịu và kích thích máu lưu thông
  • Bổ sung thực phẩm nhiều chất xơ như; rau xanh và ngũ cốc, các loại trái cây,…
 

4. Chữa suy giãn tĩnh mạch chi dưới mạn tính như thế nào?

Ngày nay có nhiều biện pháp điều trị khác nhau đối với suy tĩnh mạch chi dưới mạn tính: đơn độc hoặc phối hợp tùy theo mức độ trầm trọng của bệnh và nhu cầu của người bệnh. 

Các biện pháp không dùng thuốc: Thay đổi thói quen sinh hoạt, lối sống, luyện tập, băng ép (đi tất áp lực), thuốc hướng tĩnh mạch. Các biện pháp này chỉ có tác dụng làm hạn chế các triệu chứng và làm chậm tiến triển của bệnh.

Khi bệnh đến giai đoạn nặng hơn phải sử dụng các biện pháp điều trị can thiệp khác như: điều trị gây xơ bằng thuốc, gây xơ bằng keo sinh học,  bằng laser nội mạch, bằng sóng cao tần, phẫu thuật,… mỗi biện pháp có ưu và nhược điểm riêng. Ngày nay với những hiểu biết rõ hơn của con người về sinh bệnh học và huyết động học trong suy tĩnh mạch chi dưới mạn tính đã đưa ra những biện pháp điều trị mới ít xâm nhập và ưu điểm hơn so với các biện pháp điều trị cổ điển, trong số đó phải kể đến điều trị bằng Laser nội mạch.

Chữa suy giãn tĩnh mạch bằng laser nội mạch [3].

     Nguyên lý Chuyển năng lượng ánh sáng laser thành nhiệt, thông qua sự hấp thụ nhiệt của các phân tử hemoglobin và/hoặc nước (tùy từng thế hệ máy) tác động lên thành mạch làm hỏng lớp áo trong và áo giữa, từ đó dẫn đến hình thành huyết khối gây tắc tĩnh mạch không hồi phục, xơ hóa và cuối cùng theo thời gian tĩnh mạch sẽ biến mất.

                        

 

                                         

 

 

Trước điều trị

Sau điều trị 1 tháng

 

            Hình ảnh Búi giãn tĩnh mạch nông trước và sau điều trị

 

    

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Khoa Lão học, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang được thành lập tháng 7 năm 2014. Với chức năng điều trị nội khoa cho tất cả các bệnh nhân trên 70 tuổi, tính chất đa bệnh lý. Gần 10 năm hình thành và phát triển, khoa Lão học ngày đã đã trở thành một trong những khoa đi đầu trong hoạt động chuyên ngành Lão khoa ở các bệnh viện tuyến tỉnh khu vực miền Bắc. Đặc biệt, kỹ thuật điều trị suy tĩnh mạch chi dưới mạn tính bằng laser nội mạch được triển khai từ tháng 5 năm 2019 tại khoa Lão học, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang đã mở ra nhiều cơ hội cho người bệnh, giúp điều trị bệnh và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đây là một phương pháp can thiệp ít xâm lấn, chỉ cần gây tê cục bộ, thời gian điều trị nhanh, tỉ lệ thành công cao, hồi phục nhanh, rất hiếm có biến chứng, tính thẩm mỹ cao. Bệnh nhân có thể vận động ngay sau thủ thuật, và có thể xuất viện sau vài tiếng với mức độ hài lòng cao.

 

 

Bệnh nhân đầu tiên được điều trị bằng laser nội mạch tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang tháng 05/2019

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Gillet, J.-L., et al. Side – effects and complication of foam sclerotherapy of the great and small saphenous veins: a controlled multicentrer prospective study including 1025 patients.  Phlebology, 2009. 24(3): P. 131-138.
  2. Phạm Khuê, Phạm Thắng, (1998). Chẩn đoán suy tĩnh mạch chi dưới, NXB Y học, Hà Nội; tr.47-107.
  3. Nguyễn Trung Anh(2017), “ Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sang, kết quả điều trijsuy tĩnh mạch chi dưới mạn tính của phương pháp gây xơ bằng thuốc và laser nội tĩnh mạch”, Luận án tiến sĩ y học, viện nghiên cứu khoa học y dược lâm sang 108, Hà Nội.

 

Nguồn: Khoa Lão học