1. Mycoplasma pneumoniae là gì?

Mycoplasma pneumoniae (M. pneumoniae) là một trong các vi khuẩn ký sinh nội bào do thiếu thành (vách) tế bào, nó có thể gây nhiễm trùng đường hô hấp và các hội chứng nhiễm trùng khác. Đây là vi khuẩn rất khó nuôi cấy bằng các kỹ thuật nuôi cấy thường quy, do đó, việc xác định nguyên nhân gây bệnh do vi khuẩn này gặp nhiều khó khăn.

Hiện nay, ngoài các dịch truyền nhiễm đường hô hấp do cúm mùa, COVID-19, virus hô hấp hợp bào (RSV), dịch bệnh nhiễm khuẩn hô hấp do M. pneumoniae cũng có chiều hướng gia tăng.

2. Cơ  chế lây nhiễm M. pneumoniae?

Nhiễm trùng lây lan qua tiếp xúc với các giọt bắn ra từ đường hô hấp trên và dưới của người bị nhiễm bệnh. Thời gian ủ bệnh thay đổi từ 1-3 tuần. M. pneumoniae là nguyên nhân phổ biến gây viêm phổi mắc phải cộng đồng trên toàn thế giới. Khả năng miễn dịch sau khi nhiễm M. pneumoniae chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, do vậy khả năng người bệnh bị nhiễm trùng tái phát rất cao.

3. Một số triệu chứng của nhiễm M. pneumoniae.

- Nhiều trường hợp nhiễm trùng do M. pneumoniae không có triệu chứng hoặc gây ra các triệu chứng không đặc hiệu như nhức đầu, sốt nhẹ, ho khan và khó chịu. Khám hô hấp có thể bình thường hoặc nghe phổi thấy có rales rải rác, thở khò khè. Tuy nhiên, nó có thể viêm phổi nặng, nhiễm trùng phổi nghiêm trọng.

M. pneumoniae cũng có thể gây nhiễm trùng các hệ cơ quan khác do vi khuẩn xâm nhập trực tiếp hoặc do phản ứng miễn dịch đối với nhiễm trùng. Các biến chứng đôi khi nghiêm trọng hơn nhiễm trùng đường hô hấp nguyên phát.

Một số bệnh liên quan đến M. pneumoniae được liệt kê trong bảng dưới đây:

Cơ quan mắc bệnh

Triệu chứng

Hô hấp trên

- Viêm họng

- Ho khan hoặc ho có đờm nhẹ

- Khò khè, đặc biệt ở trẻ em và nếu có tiền sử hen suyễn

- Viêm phổi

 

Thần kinh trung ương

- Viêm não

- Viêm màng não vô trùng

- Thiếu máu não

- Viêm tủy ngang

- Hội chứng Guillain Barre

Gan mật

- Viêm gan, được cho là do viêm qua trung gian kháng thể.

- Xét nghiệm máu chức năng gan bất thường nhẹ là phổ biến.

Tim mạch

- Viêm cơ tim

- Viêm màng ngoài tim và tràn dịch màng ngoài tim

Huyết học

- Thiếu máu tán huyết 60%; thường nhẹ nhưng có thể nặng ở những người mắc bệnh hồng cầu hình liềm.

- Agglutinin lạnh có thể được phát hiện.

Cơ - xương - khớp

- Đau cơ và khớp là phổ biến.

- Viêm đa khớp hiếm gặp, được cho là do phản ứng miễn dịch.

- M. pneumoniae đã được phân lập từ dịch khớp trong một số trường hợp.

Dạ dày - ruột

- Buồn nôn và ói mửa

- Đau bụng

- Bệnh tiêu chảy

Da, niêm mạc

- Phát ban liên quan đến nhiễm M. pneumoniae

- Mụn nước và bọng nước, chấm xuất huyết, nổi mề đay ...

- Viêm niêm mạc, viêm kết mạc và loét môi, miệng, bộ phận sinh dục.

- Hội chứng Stevens–Johnson (SJS) / hoại tử biểu bì nhiễm độc (TEN), hiếm gặp.

 

 

 

Mụn nước do Mycoplasma

Phát ban đa dạng do nhiễm M. pneumoniae

Viêm niêm mạc do Mycoplasma

 

4. Chẩn đoán nhiễm M. pneumoniae

- Bệnh do M. pneumoniae biểu hiện rất đa dạng, tổn thương nhiều cơ quan, thường gặp nhất là bệnh ở hô hấp, ngoài ra còn có các biểu hiện bệnh tim mạch, thần kinh, cơ xương khớp ... Do vậy, với bệnh nhân cần đến cơ sở y tế có khả năng xét nghiệm chẩn đoán M. pneumoniae để khám và được chẩn đoán kịp thời.

- Giá trị của một số xét nghiệm/ thăm dò như sau:

+ Xét nghiệm chẩn đoán nhanh nhất là phản ứng M. pneumoniae polymerase (PCR) từ mẫu phết họng tỵ hầu hoặc dịch hô hấp, có độ nhạy và độ đặc hiệu là 78–100%.

+ Xét nghiệm nuôi cấy cần môi trường và kỹ thuật cấy chuyên biệt, không sử dụng các kỹ thuật nuôi cấy thông thường

+ Hiện nay có một số test nhanh kháng nguyên, tuy nhiên, độ nhạy và đặc hiệu chưa được kiểm chứng rõ ràng.

+ Huyết thanh học Mycoplasma (xét nghiệm máu) phát hiện kháng thể IgM và IgG sau lần lượt 7–10 ngày và 3 tuần. Độ nhạy và độ đặc hiệu của xét nghiệm huyết thanh học thấp hơn PCR (50–66%).

+ Kết quả chụp X-quang ngực trong nhiễm M. pneumoniae là không đặc hiệu.

+ Kết quả xét nghiệm công thức máu không đặc hiệu. Tổng số lượng bạch cầu và số tỷ lệ bạch cầu có thể nằm trong giới hạn bình thường. Xét nghiệm dấu hiệu viêm có thể cho thấy mức CRP bình thường hoặc tăng cao.

- Tại khoa Vi sinh - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang đã triển khai các xét nghiệm real-time PCR đa mồi cho xác định một số tác nhân vi khuẩn - virus đường hô hấp theo hội chứng bệnh, giúp chẩn đoán xác định và chẩn đoán phân biệt các tình trạng nhiễm trùng hô hấp do virus - vi khuẩn, trong đó có xác định M. pneumoniae.

+ Các kết quả có thể trả trong vòng 24 giờ từ khi nhận mẫu.

+ Bệnh phẩm cho xét nghiệm: là dịch hô hấp (trẻ em thường sử dụng dịch ngoáy tỵ hầu hoặc dịch hút đường hô hấp trên/ dưới), với người lớn có thể sử dụng mẫu đờm, dịch hút khí - phế quản, dịch hút khi nội soi khí - phế quản ...

+ Các tác nhân virus - vi khuẩn có thể phát hiện bằng real-time PCR đa mồi tại khoa Vi sinh:

          Bộ đa mồi vi khuẩn số 4 (RP4): Mycoplama pneumoniae, Chlamydiae pneumoniae, Legionella pneumophila, Haemophilus influenzae, Streptococcus pneumoniae, Bordetella pertusis, Bordetella parapertusis.

          Bộ đa mồi tổng hợp một số virus: Influenzae type A, Influenzae type B, RSV, SARS-CoV-2

          Bộ đa mồi virus hô hấp số 1 (RP1): Influenza A, Influenza B, RSV type A, RSV type B, cúm A H1N1, cúm AH1N1 type dịch tễ 2009, cúm A H3N2

          Bộ đa mồi virus hô hấp số 2 (RP2): Adenovirus, Enterovirus, Parainfluenza virus type 1, Parainfluenza virus type 2, Parainfluenza virus type 3, Parainfluenza virus type 4, Metapneumovirus

          Bộ đa mồi virus hô hấp số 3 (RP3): Bocavirus, Rhinovirus, Coronavirus type NL63, Coronavirus type 229E, Coronavirus type OC43.

5. Điều trị nhiễm trùng và dự phòng nhiễm Mycoplasma

- Nhiễm Mycoplasma thường được điều trị bằng kháng sinh macrolide, và điều trị triệu chứng bệnh, tuy nhiên, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế có đủ điều kiện chẩn đoán xác định Mycoplasma và thuốc cần được kê đơn bởi bác sỹ chuyên khoa.

- Chưa có vaccin cho nhiễm trùng M. pneumoniae.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Canavan TN, Mathes EF, Frieden I, Shinkai K. Mycoplasma pneumoniae-induced rash and mucositis as a syndrome distinct from Stevens-Johnson syndrome and erythema multiforme: a systematic review. J Am Acad Dermatol. 2015;72(2):239-245. doi:10.1016/j.jaad.2014.06.026 Journal
  2. Mansel JK, Rosenow EC 3rd, Smith TF, Martin JW Jr. Mycoplasma pneumoniae pneumonia. Chest 1989; 95: 639.
  3. Schalock P, Dinulos G. Mycoplasma pneumoniae-induced cutaneous disease. Int J Derm 2009; 48: 673–81.
  4. Cherry JD, Hurwitz ES, Welliever RC. Mycoplasma pneumoniae infections and exanthems. J Paediatr 1975; 87: 369–73. PubMed
  5. Foy HM, Kenny GE, McMahan R, et al. Mycoplasma pneumoniae pneumonia in an urban area: five years of surveillance. JAMA 1970; 217: 427–34. PubMed
  6. Meyer Sauteur PM, Theiler M. Mycoplasma pneumoniae-associated flagellate erythema. JAAD Case Rep. 2020;6(12):1283-1285. Published 2020 Oct 16. doi:10.1016/j.jdcr.2020.09.029 PubMed
  7. Stevens D, Swift PG, Johnston PG, Kearney PJ, Corner BD, Burman D. Mycoplasma pneumoniae infections in children. Arch Dis Child 1978; 53: 38–42. PubMed Central
  8. Wetter D, Camilleri J. Clinical, etiologic and histopathologic features of Stevens-Johnson syndrome during an 8-year period at Mayo Clinic. Mayo Clin Proc 2010; 85: 131–8. PubMed Central
  9. Kakourou T, Drosatou P, Psychou F, et al. Erythema nodosum in children: a prospective study. J Am Acad Dermatol 2001; 44: 17–21. PubMed
  10. Wu CC, Kuo HC, Yu HR, Wang L, Yang KD. Association of acute urticaria with Mycoplasma pneumoniae infection in hospitalized children. Ann Allergy Asthma Immunol 2009; 103: 134–9. PubMed
 
 
Nguồn: Khoa Vi sinh