Nhằm tạo điều kiện cho cán bộ y tế trên địa bàn tỉnh bổ sung, cập nhật thêm kiến thức y khoa, góp phần nâng cao chất lượng trong công tác khám, chữa bệnh. Chiều 14/9/2022, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang tổ chức tập huấn với chuyên đề “Chẩn đoán, xử trí sốc phản vệ và ngộ độc thuốc tê”.

Tới dự chương trình có Bs.CKII Vũ Thanh Giang, Phó Giám đốc Bệnh viện, Bs.CKII Nguyễn Minh Hồ, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến cùng 39 học viên là cán bộ, nhân viên y tế đến từ các Bệnh viện, phòng khám tư nhân trên địa bàn tỉnh như: Bệnh viện Đa khoa Sơn Uyên, Bệnh viện Đa khoa Hà Nội – Bắc Giang, Bệnh viện Đa khoa Y Cao Hà Nội- Sơn Động, Bệnh viện Đa khoa Hùng Cường, Phòng khám Đa khoa CLC Tân Mỹ… Tham gia hướng dẫn, chia sẻ các kiến thức, nội dung của buổi tập huấn có Bs.CKII Phạm Tùng Sơn, Trưởng khoa Cấp cứu và Ths Phạm Hồng Phong, Trưởng khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang.

Khai mạc chương trình tập huấn, Bs.CKII Vũ Thanh Giang, PGĐ bệnh viện chia sẻ:” Sốc phản vệ hay ngộ độc thuốc gây tê là phản ứng có hại nghiêm trọng và có thể gây tử vong cho bệnh nhân. Tuy nhiên, phản ứng này chưa được các cán bộ y tế chú ý đúng mức. Cán bộ y tế tham gia vào quá trình xử trí sốc phản vệ hay sử dụng thuốc gây tê nên được tập huấn, cập nhật thông tin thường xuyên về phác đồ xử trí sốc phản vệ, cách sử dụng thuốc gây tê hợp lý, an toàn, cách phát hiện và xử trí khi tình huống xảy ra.”

Tại buổi tập huấn, Bs.CKII Phạm Tùng Sơn, Trưởng khoa Cấp cứu đã nêu các khái niệm, triệu trứng, các tác nhân phản vệ, mức độ nặng, nhẹ … tính nguy cấp của phản vệ, đòi hỏi nhân viên y tế phải xử trí lâm sàng ngay lập tức. Theo đó, BS.CKII Phạm Tùng Sơn đã hướng dẫn cách xử trí tức thời đối với điều dưỡng khi gặp phải tình huống bệnh nhân sốc phản vệ, đồng thời đề cập đến phác đồ xử trí đối với các trường hợp nhẹ, nặng và nguy kịch tại khoa Cấp cứu. Và điều quan trọng nhất cần lưu ý đó là: Nhân viên y tế được phép tiêm bắp adrenalin cho bệnh nhân sốc phản vệ theo phác đồ khi chưa có bác sỹ.

Phần thứ hai của buổi tập huấn, Ths Phạm Hồng Phong đã hướng dẫn, trao đổi về chủ đề: “Ngộ độc thuốc tê” đến các học viên. Giảng viên đã trình bày nội dung về các yếu tố ảnh hưởng đến độc tính thuốc tê, biểu hiện lâm sàng của ngộ độc thuốc tê, dấu hiệu tim mạch và cách xử trí. Ngoài ra, giảng viên cũng hướng dẫn cấp cứu ngừng tim do ngộ độc thuốc tê đến các học viên.

Buổi tập huấn diễn ra giúp các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế trên địa bàn tỉnh có thêm kiến thức để kịp thời ứng phó với các tình huống bệnh nhân phản vệ, sốc phản vệ, ngộ độc thuốc tê, đảm bảo an toàn người bệnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của tỉnh nhà.
 
 
Nguồn: Phòng CTXH